Lịch sử Bách_Tế

Hình thành

Theo Tam quốc sử ký (Samguk Sagi), Bách Tế được Ôn Tộ Vương (Onjo) sáng lập vào năm 18 TCN, ông là người dẫn đầu một nhóm người Cao Câu Ly tiến về phía nam đến bồn địa sông Hán. Còn theo Tam quốc chí của Trung Quốc, vào thời kỳ Tam Hàn, một trong các bộ lạc của Mã Hàn được gọi là Bách Tế.

Tam quốc sử ký mô tả chi tiết về sự thành lập của Bách Tế. Cao Chu Mông (Jumong) đã để lại người con trai Lưu Ly (Yuri) lại Phù Dư (Buyeo) khi ông rời vương quốc này để thành lập vương quốc Cao Câu Ly mới. Chu Mông trở thành Đông Minh Vương và có hai người con trai nữa với So Seo-no (Triệu Tây Nô) là Ôn Tộ (Onjo) và Phất Lưu (Biryu). Lưu Ly sau đó đến Cao Câu Ly, Chu Mông nhanh chóng phong cho ông làm thái tử. Nhận thức rõ về việc Lưu Ly sẽ là người kế vị ngai vàng, Triệu Tây Nô đã rời khỏi Cao Câu Ly, mang theo hai người con trai của mình là Phất Lưu và Ôn Tộ xuống phía nam để thành lập một vương quốc mới cùng những người dân đi theo và 10 chư hầu. Bà được lịch sử ghi nhớ do là một nhân vật chủ chốt trong việc hình thành cả hai vương quốc Cao Câu Ly và Bách Tế.

Ôn Tộ quyết định định cư tại Úy Lễ Thành (Wiryeseong) (nay là Hanam), và gọi quốc gia của mình là Sipje (십제, 十濟, "Thập Tế"), còn Phất Lưu định cư tại Di Châu Hốt (Michuhol) (nay là Incheon), bất chấp lời khuyên của các chư hầu. Di Châu Hốt là vùng đất nước mặn và đầm lầy, khiến các cư dân gặp phải khó khăn, trong khi những người ở Wiryeseong có cuộc sống thịnh vượng hơn.

Phất Lưu sau đó đã đến nơi em trai Ôn Tộ của mình và đòi ngai vàng Thập Tế. Khi Ôn Tộ từ chối, Phất Lưu đã tuyên chiến song thất bại. Trong sự hổ thẹn, Phất Lưu đã tự sát, người dân của ông sau đó chuyển đến Úy Lễ Thành, nơi họ được Ôn Tộ Vương chào đón. Sau đó, vương quốc được đổi tên thành Bách Tế.

Ôn Tộ Vương rời kinh đô của mình từ phía nam lên phía bắc sông Hán, rồi sau đó lại chuyển xuống phía nam, có lẽ tất cả đều nằm tại khu vực Seoul ngày nay và có nguyên nhân là sức ép từ các tiểu quốc Mã Hàn khác. Cái Lâu Vương được tin rằng đã rời đô lên phía bắc đến Bắc Hán Sơn Thành năm 132, có lẽ là Goyang ngày nay, ở tây bắc của Seoul.

Qua các thế kỷ đầu Công nguyên, đôi khi được gọi là Thời đại Tiền Tam Quốc, Bách Tế dần dần kiểm soát toàn bộ các bộ lạc Mã Hàn.

Mở rộng

Trong giai đoạn trị vì của Cổ Nhĩ Vương (Goi, 234–286), Bách Tế đã chính thức trở thành một vương quốc theo đúng nghĩa, khi nó tiếp tục củng cố liên minh Mã Hàn. Năm 249, theo cổ sử Nhật Bản Nihonshoki (Nhật Bản thư kỷ), Bách Tế đã mở rộng đến liên minh Già Da (Gaya) ở phía đông, quanh thung lũng sông Nakdong. Bách Tế lần đầu tiên được sử sách Trung Quốc mô tả như một vương quốc năm 345. Phái đoàn ngoại giao Bách Tế đầu tiên đi tới Nhật Bản là khoảng năm 367 (Theo Nihon Shoki: 247).

Cận Tiếu Cổ Vương (Geunchogo, 346–375) đã mở rộng lãnh thổ Bách Tế lên phía bắc bằng một cuộc chiến với Cao Câu Ly, trong khi sáp nhập các bộ lạc Mã Hàn còn lại ở phía nam. Dưới thời trị vì của Cận Tiếu Cổ Vương, lãnh thổ của Bách Tế bao gồm phần lớn miền tây bán đảo Triều Tiên (ngoại trừ khu vực Pyongan), và vào năm 371, Bách Tế đã đánh bại Cao Câu Ly tại Bình Nhưỡng. Bách Tế và Cao Câu Ly tuy có xung đột song vẫn tiến hành giao thương, Bách Tế tích cực tiếp nhận văn hóa và công nghệ Trung Hoa. Phật giáo trở thành tôn giáo chính thức của đất nước vào năm 384.

Bách Tế cũng tiếp tục là một thế lực mạnh về hàng hải và tiếp tục mối quan hệ hữu hảo với Nhật Bản trong thời kỳ Kofun, truyền bá văn hóa từ lục địa châu Á sang Nhật Bản. Chữ Hán, Phật giáo, kỹ thuật sản xuất gốm tiên tiến, nghi thức tang lễ, và các khía cạnh khác của văn hóa đã được đưa đến bởi các quý tộc, nghệ nhân, học sĩ và nhà sư thông qua các mối quan hệ của họ.[1]

Trong thời kỳ nay, bồn địa sông Hán vẫn duy trì vai trò là trung tâm của đất nước.

Thời kỳ Ungjin (Hùng Tân)

Vào thế kỷ thứ 5, Bách Tế rút lui về phía nam trước mối đe dọa quân sự từ Cao Câu Ly, và đến năm 475, khu vực Seoul đã rơi vào tay quân Cao Câu Ly. Kinh đô Bách Tế nằm tại Hùng Tân (Ungjin, nay là Gongju) từ năm 475 đến 538.

Cô lập với địa hình miền núi, kinh đô mới an toàn để chống lại miền bắc song lại khó liên hệ với thế giới bên ngoài. Kinh đô mới nằm gần Tân La hơn là Wiryeseong tuy nhiên, một liên minh quân sự đã được lập nên giữa Tân La và Bách Tế để chống lại Cao Câu Ly. Hầu hết bản đồ thời Tam Quốc thể hiện Bách Tế cai quản vùng đất ChungcheongJeolla.

Thời kỳ Sabi (Tứ Tỉ)

Năm 538, Bách Tế Thánh Vương rời đô đến Tứ Tỉ (Sabi, nay thuộc Buyeo), và xây dựng vương quốc của mình thành một đất nước lớn mạnh hơn. Từ thời điểm này, tên chính thức của đất nước là Nam Phù Dư, ám chỉ đến Phù Dư, tức nguồn gốc của Bách Tế. Thời kỳ Tứ Tỉ chứng kiến sự nở rộ của văn hóa Bách Tế, cùng với sự phát triển của Phật giáo.

Dưới sức ép từ Cao Câu Ly ở phía bắc và Tân La ở phía đông, Thánh Vương đã tìm cách tăng cường mối quan hệ của Bách Tế với Trung Quốc. Tứ Tỉ nằm ven dòng sông Geum (Cẩm Giang) và tàu bè có thể đi lại, và điều này khiến cho việc liên hệ với Trung Quốc trở nên dễ dàng hơn nhiều, và cả thương mại cùng ngoại giao đã phát triển mạnh trong thế kỷ 6 và 7.

Trong thế kỷ thứ 7, cùng với sự gia tăng ảnh hưởng của Tân La ở phía nam và trung tâm bán đảo, Bách Tế bắt đầu đi xuống.

Sụp đổ và các phong trào phục quốc

Năm 660, đội quân liên minh giữa Tân La và nhà Đường tấn công Bách Tế. Đội quân đông đảo do tướng Giai Bách (Gyebaek) dẫn đầu đã bị đánh bại trong trận Hwangsanbeol gần Nonsan. Kinh đô Tứ Tỉ thất thủ gần như ngay sau đó, kết quả là Bách Tế bị sáp nhập vào Tân La. Nghĩa Từ Vương (Uija) cùng con trai là Phù Dư Long (Buyeo Yung) bị đày sang Trung Quốc trong khi một số người trong tầng lớp cầm quyền đã trốn sang Nhật Bản.

Các lực lượng Bách Tế đã lập nên phong trào phục quốc ngắn ngủi song đã phải đối mặt với lực lượng liên minh của Tân La và Đường. Một nhà sư tên là Dochim (도침, 道琛, Đạo Sâm) và vị tướng Bách Tế cũ là Phù Dư Phúc Tín (Buyeo Boksin) đã đứng lên nhằm phục hồi Bách Tế. Họ chào đón hoàng tử Phù Dư Phong (Buyeo Pung) trở về từ Nhật Bản và lên ngôi vua và Juryu (주류, 周留, Chu Lưu, này nằm tại Seocheon, Chungcheong Nam) là đại bản doanh của họ. Họ đưa tướng Đường là Lưu Nhân Nguyện (劉仁願) vào vòng vây ở Tứ Tỉ. Đường Cao Tông sau đó đã cử tướng Lưu Nhân Quỹ (劉仁軌), người trước đó từng bị hạ cấp thành thường dân vì đã mạo phạm Lỹ Nghĩa Phủ (李義府), với một đội quân cứu viện, và Lưu Nhân Quỹ cùng Lưu Nhân Nguyện đã có thể chống lại các cuộc tấn công của lực lượng kháng chiến Bách Tế, song bản thân họ là không đủ để dập tắt cuộc nổi dậy, và tình thế đôi khi trở nên bế tắc.

Quân kháng chiến Bách Tế yêu cầu tiếp việc của Nhật Bản, và Phong Chướng Vương đã trở về Bách Tế với 5.000 nghìn binh sĩ. Trước khi trở về từ Nhật Bản, lực lượng của ông đã có một trận chiến với quân Đường ở Ungjin.

Năm 663, lực lượng phục quốc Bách Tế và một hạm đội hải quân Nhật Bản đã tập hợp tại miền nam Bách Tế để đương đầu với lực lượng Tân La trong Trận Bạch Giang (Baekgang). Nhà Đường cử đến 7.000 binh lính và 170 tàu. Sau 5 trận hải chiến vào tháng 8 năm 663 tại Bạch Giang, được coi là khu vực hạ lưu của sông Geum hay sông Dongjin, lực lượng Tân La-Đường đã giành được chiến thắng, còn Phù Dư Phong trốn thoát đến Cao Câu Ly.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bách_Tế http://books.google.com/books?visbn=0521223520&id=... http://www.japan-guide.com/e/e2046.html http://www.japanvisitor.com/index.php?cID=359&pID=... http://encarta.msn.com/encyclopedia_761568150_4/Po... http://news.nationalgeographic.com/news/2008/04/08... http://theseoultimes.com/ST/?url=/ST/db/read.php?i... http://kr.news.yahoo.com/service/news/shellview.ht... http://www.koreandb.net/Sam/bon/samkuk/04_250_2001... http://www.asiasocietymuseum.org/buddhist_trade/ko... https://www.webcitation.org/5kwPni5fJ?url=http://e...